Hiện nay, việc dùng đèn cảnh báo nguy hiểm một cách “vô tội vạ” là tình trạng chung của nhiều tài xế Việt. Đây là hành động tuy không vi phạm về luật nhưng lại là thói quen lái xe không có tác dụng, thậm chí là tác hại. Bởi có thể gây ra hiểu nhầm cho người lái phương tiện khác về hướng di chuyển của xe, dẫn đến xử lí tình huống sai lệch và gây ra tai nạn.
Xét về thói quen lái ô tô, không ít người vẫn thản nhiên bật đèn cảnh báo này khi di chuyển qua đường bùng binh, ngã tư hay xin vượt để xin quyền ưu tiên. Đây có thể nói là thói quen không tốt, tùy tiện và đáng chê trách vì thực chất đèn cảnh báo nguy hiểm chỉ nên được sử dụng trong các tình huống nguy hiểm.
Đèn cảnh báo nguy hiểm là gì, mục đích sử dụng?
Được trang bị trên phía đầu xe ô tô, đèn cảnh báo nguy hiểm hay còn gọi là đèn chớp nguy hiểm (đèn hazard) là một cặp đèn báo nhấp nháy, mục đích chính để cảnh báo người lái xe khác về nguy hiểm ở phía trước, hoặc báo hiệu xe đang trong tình huống nguy hiểm.

Về cách thức hoạt động, để kích hoạt chế độ này, tài xế phải ấn vào nút tam giác màu đỏ lắp đặt trên bảng điều khiển ô tô. Ở hầu hết các dòng xe, nút kích hoạt này sẽ được đặt ở giữa và các chủ xe phải ấn bằng tay hoặc với một số xe khác, nếu bị xe gặp tai nạn hoặc phanh gấp xe sẽ tự động kích hoạt chế độ này.
Đều mang tên đèn cảnh bảo nguy hiểm nhưng tùy vào mỗi quốc gia mà mục đích sử dụng của loại đèn này rất khác nhau. Được biết ở Anh, tài xế chủ yếu sử dụng đèn hazard để giảm tốc độ trên đường cao tốc, nhưng với New Zealand lại không sử dụng loại đèn này.
Sử dụng đèn cảnh báo nguy hiểm đúng cách
Đúng như tên gọi được đặt, đèn cảnh báo nguy hiểm chỉ nên được sử dụng trong các tình huống có nguy cơ nguy hiểm, gặp nguy hiểm hoặc báo hiệu cho các phương tiện cùng lưu thông khác biết phía trước đang có nguy hiểm.
Đầu tiên, với trường hợp trên đường cao tốc, nếu xe của bạn gặp sự cố không mong muốn và không thể tiếp tục di chuyển đến nơi dừng đỗ theo quy định. Khi đó, các tài xế phải đậu xe bên lề đường và cần bật đèn báo nguy hiểm để các xe khác biết. Bên cạnh đó, việc bật đèn này ngầm muốn cho phương tiện khác biết là xe bạn đang cần đến trợ giúp của họ.

Tiếp theo, trong các tình huống khẩn cấp như xe bị mất phanh, mất lái, xe gặp tai nạn hoặc chở người bị thương nặng,… các tài xế nên dùng đèn cảnh báo nguy hiểm để xin nhường đường hoặc báo hiệu cho các phương tiện khác biết xe bạn đang gặp sự cố.
Nếu phải di chuyển trong điều kiện thời tiết xấu như mưa gió, sương, khói… nhưng chưa đến mức không nhìn thấy gì thì bạn chỉ cần bật đèn sương mù hoặc đèn pha. Tránh việc sử dụng đèn cảnh báo nguy hiểm tùy tiện khi chuyển làn hoặc xin đường, chuyển hướng vì các tài xế khác không thể phân biệt được.
Tuy nhiên, nếu gặp phải thời tiết quá xấu như sương mù dày đặc, khói dày,… tài xế chỉ nhìn được một vài mét, hay mưa quá lớn hay hoặc cần gạt mưa hỏng thì tài xế cũng nên sử dụng để báo hiệu cho các phương tiện khác biết. Cộng thêm lái xe cũng nên giữ khoảng cách tối thiểu khi lái xe để bảo đảm an toàn.
Lời khuyên cho bạn nếu sử dụng đèn cảnh báo nguy hiểm sai cách có thể gây ra hiểu nhầm cho các phương tiện khác dẫn tới lung túng, xử lý sai tình huống và thậm chí là gây ra tai nạn.