Xe bị quá nhiệt hay nóng máy khi khởi hành di chuyển có thể khiến động cơ xe bị hư hại, thậm chí bốc khói ngùn ngụt, làm tăng nguy cơ cháy nổ. Cùng Dpro Việt Nam khám phá nguyên nhân xe ô tô nóng máy và cách khắc phục tình trạng này.
Dấu hiệu nhận biết xe ô tô bị quá nhiệt
Khi xe di chuyển, nhiệt độ trong khoang động cơ sẽ tăng lên đến một mức độ cho phép để đảm bảo quy trình vận hành trơn tru, hiệu quả nhất. Sau đó, hệ thống làm mát được khởi động kích hoạt, giúp động cơ ổn định mức nhiệt, không bị quá nóng.

Trong trường hợp nhiệt độ động cơ tăng cao vượt ngưỡng sẽ khiến xe bị nóng máy. Một số dấu hiệu để nhận biết tình trạng trên:
- Có hơi nước/ bốc khói trong khoang động cơ
- Đồng hồ đo nhiệt độ chỉ mức đỏ
- Đèn cảnh báo nhiệt độ bật sáng
Nguyên nhân xe ô tô bị nóng máy
Xe ô tô nóng máy đề khó nổ có thể gây ra bởi nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân điển hình nhất là sự cố lỗi ở hệ thống làm mát hoặc hệ thống động cơ của xe.
Xe thiếu nước làm mát
Nước có khả năng truyền dẫn nhiệt, làm mát hệ thống động cơ khi xe đang hoạt động. Khi nước làm mát không đủ sẽ làm giảm khả năng làm mát, là một trong những nguyên nhân khiến xe ô tô nóng máy đề khó nổ.
Hoạt động theo cơ chế tuần hoàn kín, do đó hệ thống làm mát thường đảm bảo lượng nước cần, ít bị hao hụt. Khi kiểm tra nếu thấy nước làm mát hao nhanh thì hệ thống làm mát trong xe ô tô của bạn đang gặp vấn đề, có thể xi lanh động cơ bị nứt, ống dẫn bị hở, gioăng quy lát hỏng, nút bịt lỗ trên động cơ bị mòn, thanh tản nhiệt két nước bị rách,…khiến nước làm mát bị hao hụt, rò rỉ, dẫn đến thiếu hụt.
Két nước bẩn
Khu vực két nước làm mát thường nhanh bám bẩn, đặc biệt khi xe ít được đem đi vệ sinh định kỳ. Trong trường hợp két nước có cặn bẩn, quá trình làm mát động cơ sẽ bị giảm hiệu quả khiến xe bị quá nhiệt, nóng máy.
Van hằng nhiệt bị lỗi
Van hằng nhiệt xe ô tô giúp điều tiết lượng nước đi qua két nước làm mát, điều hòa nhiệt động cơ khi xe vận hành, di chuyển. Trường hợp van hằng nhiệt bị lỗi sẽ làm giảm khả năng làm mát động cơ, để kéo dài có thể khiến xe ô tô bị quá nhiệt.
Quạt gió có trục trặc
Một trong số nguyên nhân xe ô tô bị nóng máy có thể từ quạt gió. Quạt gió ô tô thuộc hệ thống làm mát, hỗ trợ tản nhiệt cho động cơ, do đó khi quạt gặp trục trặc sẽ làm giảm khả năng làm mát, xe nhanh bị nóng máy vì không được tản nhiệt tốt.
Bơm nước gặp trục trặc

Nguyên nhân ô tô bị nóng máy cũng có thể do máy bơm nước làm mát. Phần máy bơm gặp trục trặc do các yếu tố như: Chảy nước, dây curoa của bơm bị chùng hoặc căng quá,…
Động cơ bị khô dầu, thiếu dầu
Dầu nhớt giúp bôi trơn toàn bộ chi tiết bên trong động cơ, từ đó làm giảm lực ma sát, giảm khấu hao, bào mòn, hỗ trợ giải nhiệt động cơ, giảm nóng máy do xe di chuyển quãng đường xa.
Khi xe thiếu dầu sẽ không đủ dầu bôi trơn và làm mát cho các chi tiết cần thiết bên trong động cơ, từ đó sẽ làm tăng nguy cơ nóng máy.
Động cơ gặp trục trặc
Không chỉ hệ thống làm mát, động cơ cũng có khả năng gặp trục trặc bên trong, khiến xe bị kêu, có mùi khét hoặc xe nóng máy bị tắt,…
Động cơ hoạt động trơn tru dựa trên sự phối hợp khép kín giữa các bộ phận, trong đó quan trọng nhất là sự kết hợp giữa hệ thống đánh lửa và hệ thống cung cấp hòa khí.
Một chi tiết nhỏ trong động cơ gặp vấn đề có thể kéo theo nhiều rắc rối trong quá trình đốt cháy nhiên liệu, kèm theo hiện tượng xe nóng máy đề khó nổ.
Theo các chuyên viên kỹ thuật, các lỗi hay gặp phổ biến nhất như: Buồng đốt xy lanh động cơ tích nhiều muội than, kim phun nhiên liệu bị tắc/lệch góc phun sớm, bộ điều áp bị trục trặc, bugi đánh lửa bị trễ,…
Thời tiết quá nóng

Thời tiết “nóng như rang” cũng là nguyên nhân xe ô tô nóng máy mất kiểm soát, đặc biệt là các xe ô tô đời cũ khi đi dưới nền đường nóng hấp thường dễ bị nóng máy do hệ thống làm mát đã không còn hoạt động tốt nữa.
Cách xử lý khi xe bị quá nhiệt
Khi phát hiện xe bị quá nhiệt, nóng máy, chủ xe có thể tham khảo các cách xử lý nhanh sau:
Trường hợp 1: Xe đang đi không thể dừng lại được ngay.
Khi đang di chuyển trên đoạn đường đông xe, tắc đường, không thể dừng lại thì sau đây là các bước giúp tản nhiệt khẩn cấp:
- Mở hết cửa sổ: Giúp tản nhiệt một phần ra bên ngoài không khí.
- Tắt điều hòa, bật quạt tản nhiệt và chế độ lò sưởi: Thao tác bật chế độ lò sưởi khiến xe tản bớt một phần nhiệt lượng để sưởi ấm cho xe, từ đó làm giảm nhiệt động cơ.
- Bật đèn báo khẩn cấp: Chủ xe bật đèn báo khẩn cấp và cho xe nhanh chóng đỗ vào vị trí an toàn hoặc cơ sở bảo dưỡng xe gần đó nếu có để kịp thời xử lý.
Trường hợp 2: Có thể linh hoạt dừng được xe

Chủ xe cần thực hiện các bước xử lý nhanh sau:
- Dừng đỗ xe ở khu vực an toàn: Khi xe đi gần tới các khu vực có nguy cơ cháy nổ cao như trạm xăng dầu,…thì nên tránh.
- Mở nắp capo: Khi thấy hơi nước tỏa ra nhiều hoặc nắp capo quá nóng nên đợi một lát, tránh gây bỏng. Khi mở capo nên mở từ từ, cẩn thận quan sát và đánh giá tình trạng của xe.
- Chờ xe nguội: Chủ xe nên chờ từ 5 – 10 phút để xe bớt nóng, sau đó tiến hành kiểm tra sâu các bước tiếp theo.
- Kiểm tra két nước làm mát: Khi nắp két nước đã nguội, chủ xe có thể tiến hành kiểm tra, chú ý mở nắp từ từ cho hơi nóng thoát ra dần dần, cẩn thận tránh bị bỏng.
Thực chất, nguyên nhân xe ô tô nóng máy nhiều vô kể, nhưng có một điều chắc chắn, khi xe bị quá nhiệt ở những khu vực nhạy cảm (ở nơi không được dừng đỗ, nơi hẻo lánh, vắng vẻ,…) thì đó thực sự là vấn đề lớn. Do đó, việc bảo dưỡng, kiểm tra xe thường xuyên định kỳ là cần thiết. Hãy lưu ý thời gian và tần suất sử dụng xe để xác định thời gian bảo dưỡng hợp lý nhất.